To: Các nhà hoạch định chính sách

Tuyên cáo Đoàn kết Toàn cầu chống Covid-19

Petition Text

Cuộc khủng hoảng Covid-19 đã cho chúng ta thấy rõ hơn sự cấp thiết phải thay đổi căn bản những kết cấu toàn cầu đã tạo ra bất công và bạo lực. Công dân trên toàn thế giới như chúng tôi sẽ chớp lấy cơ hội lịch sử này để thúc đẩy sự đoàn kết ở mọi cấp độ - địa phương, quốc gia, và thế giới – bằng việc tạo ra các mạng lưới hỗ trợ lẫn nhau và xây dựng các phong trào xã hội. Trong bản tuyên cáo này, chúng tôi đưa ra các đòi hỏi về một thế giới mà loài người đã, đang, và sẽ có thể tạo dựng.
1. Quyền được chăm sóc sức khỏe là quyền cơ bản của con người và do đó chúng tôi đòi hỏi các dịch vụ chăm sóc sức khỏe phải được miễn phí cho tất cả.

2. Chúng tôi đòi hỏi ngay lập tức ngừng bắn tại tất cả các xung đột trên thế giới và chấm dứt chiến tranh. Chúng tôi yêu cầu mọi chính phủ cắt giảm ít nhất một nửa chi phí quân sự, bao gồm đóng cửa các căn cứ quân sự ở nước ngoài, chấm dứt tập trận, và tiêu hủy vũ khí hạt nhân. Số tiền đó cần dùng vào dịch vụ y tế, chăm sóc trẻ em, giáo dục, internet, và các cơ sở hạ tầng khác. Chỉ có như thế chúng ta mới có thể thực sự chăm lo cho sức khỏe thể chất và tinh thần của người dân, tạo dựng sự ổn định về kinh tế cho họ.

3. Chúng tôi yêu cầu các mô hình kinh tế tư bản hiện tại – lấy tăng trưởng không ngừng làm mục tiêu – được thay thế bằng các mô hình kinh tế bền vững và nhân đạo hơn: quan tâm tới con người và đa dạng sinh học, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, và đảm bảo thu nhập tối thiểu cho tất cả. Các chính phủ cần hợp tác để đối phó với sự biến đổi khí hậu toàn cầu đã và đang đe dọa sự tồn vong của loài người.

4. Chúng tôi đòi hỏi dỡ bỏ tất cả các lệnh cấm vận ngay lập tức. Hành động cấm vận không những gây ra nghèo đói cho cả một đất nước mà còn đang giết người hàng loạt bởi nó không cho người dân tiếp cận với thuốc và vật tư y tế.

5. Chúng tôi đòi hỏi rằng người lao động cần được bảo hộ chống COVID-19 và các quyền lợi kinh tế và sức khỏe lâu dài của họ phải được đảm bảo.

6. Chúng tôi đòi hỏi rằng các đối tượng yếu thế nhất trong xã hội phải được bảo vệ hoàn toàn. Họ là phụ nữ và trẻ em, đặc biệt những người sống trong môi trường bị bạo hành, người già, người nghèo, tù nhân, người tị nạn, người di cư , người nhập cư, người vô gia cư, cộng đồng người đồng tính, đa tính và chuyển giới, các nhóm dân tộc thiểu số, và những người tàn tật.

7. Chúng tôi yêu cầu các nước giàu phải có trách nhiệm giúp đỡ các nước nghèo bằng việc cung cấp các phương tiện y tế (kể cả thông qua tổ chức Y tế Thế giới WHO) và hủy nợ. Đòi hỏi này sinh ra từ nhận thức rằng nhiều nước nghèo vì họ đã và đang là nạn nhân của chủ nghĩa thực dân, thực dân kiểu mới, và các dạng bóc lột khác, dù ngoại lai hay nội địa.

8. Chúng tôi đòi hỏi rằng chính phủ và các tập đoàn xuyên quốc gia tôn trọng quyền riêng tư và không lợi dụng tình trạng bệnh dịch để tăng cường các biện pháp hà khắc như theo dõi, cưỡng chế cải tạo, hoặc vi phạm các quyền tự do cơ bản của con người như quyền hội họp, quyền tự do ngôn luận, quyền tự quyết, và quyền bỏ phiếu.

9. Chúng tôi đòi hỏi rằng khi chính phủ tiến hành các chương trình kích hoạt và mở cửa nền kinh tế trở lại, chính phủ phải ưu tiên phục vụ cộng đồng thay vì phục vụ lợi ích của giới tài phiệt kinh tế và chính trị.

Trong một thế giới mà khoảng cách giàu nghèo trở nên đáng kinh hãi, khi mà nhóm 1% giàu nhất thế giới sở hữu nhiều tài sản gấp hai lần 6,9 tỉ người còn lại, thì việc tái phân bổ tài sản và quyền lực trên phạm vi toàn cầu và ở từng quốc gia đã trở nên cấp bách. Mỗi con người đều phải được hưởng quyền sống khỏe mạnh, được mưu cầu hạnh phúc, và không phải chịu cảnh đói nghèo, bị bóc lột hoặc thống trị.

Thêm thông tin và liên hệ: https://www.covidglobalsolidarity.org/

Why is this important?

Cuộc khủng hoảng Covid-19 đã cho chúng ta thấy rõ hơn sự cấp thiết phải thay đổi căn bản những kết cấu toàn cầu đã tạo ra bất công và bạo lực.